Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Bến Tre tiếp tục khởi sắc. Hầu hết các cơ sở, công ty kinh doanh du lịch ở các địa phương đều rất nỗ lực trong việc thu hút khách tham quan.
Cũng như nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Bến Tre, năm 2023, công ty TNHH Truyền thông du lịch C2T (tại phường Phú Khương thành phố Bến Tre) hoạt động rất hiệu quả. Trong năm, công ty tiếp đón hơn 200 đoàn khách tham quan; trong đó có 30% là khách quốc tế, doanh thu tăng hơn 30% so với năm 2022.
Điểm khác biệt của công ty TNHH Truyền thông du lịch C2T là đưa khách đi thuyền tham quan dọc theo 4 con sông lớn của tỉnh Bến Tre là sông Tiền – Hàm Luông – Ba Lai – Cổ Chiên, thưởng thức các món ăn đặc sản sông nước và nông sản của chính người nông dân sở tại làm ra.
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc công ty TNHH Truyền thông du lịch C2T chia sẻ: “Ở đây với chiến lược rất đơn giản là mình trải nghiệm khác biệt và thấu hiếu khách hàng. Mình biết khách hàng khi họ đi tuor, họ đi tour họ hài lòng. Họ có mối quan hệ và người thân thấy phù hợp nên giới thiệu đi tuor của mình. Mình thay đổi theo nhu cầu của khách hàng, sau dịch covid-19 họ có cách đi du lịch khác cần sự mới lạ. Cái mà khiến người ta quay lại công ty C2T là luôn nâng cấp và thay đổi sản phẩm liên tục và đưa ra sản phẩm mới để phục vụ khách hàng cũ. Thứ 4 là mình khuyến khích họ đi thay vì một năm mình đi một lần bây giờ mình khuyến khích họ đi 2 lần để họ có hưởng chính sách”.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, từ sau khi dịch Covid-19 lắng dịu ngành du lịch địa phương đã phục hồi mạnh, du khách năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, tỉnh ước đón tiếp hơn 2,2 triệu du khách xa gần, đạt hơn 170% kế hoạch năm và tăng gần 01 triệu du khách so năm ngoái. Đáng ghi nhận là có gần 400 nghìn lượt khách quốc tế, tăng hơn 430% so năm ngoái.
Đến với Bến Tre, du khách được thưởng thức bầu không khí trong lành, mát dịu dưới những tàn cây rợp bóng, được chiêm ngưỡng những công trình, di tích văn hóa lịch sử, được có giây phút lắng đọng tâm hồn, bồi hồi nhớ lại những ký ức của một vùng đất địa linh, có nhiều chiến công làm rạng danh quê hương Đồng khởi Anh hùng.
Anh Lê Hữu Phước, du khách từ TP Hồ Chí Minh sau khi đến tham quan tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bày tỏ: “Mặc dù thời gian tôi tham quan ở đây chưa được nhiều, nhưng tôi biết được thêm về đặc điểm về con người, văn hóa, lịch sử ở đây. Tôi ấn tượng nhất là đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn tàu không số và nơi nổi tiếng về hải sản, công trình điện gió. Không khí rất mát mẽ trong lành, nếu có điều kiện tôi sẽ giới thiệu đến bạn bè, người thân của tôi đến đây tham quan, nghỉ ngơi sau những ngày học tập, làm việc mệt mỏi”.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 32 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó, có 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 22 doanh nghiệp lữ hành nội địa; gần 100 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng trên 3.000 khách, trong đó, có 34 dịch vụ homestay, trên 50 khu, điểm du lịch; 09 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc trưng của xứ dừa là có đến 57 làng nghề, trong đó, có 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp rất thu hút khách tham quan du lịch như: sản xuất cây giống – hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 154 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao. Bến Tre còn có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh là điểm đến của khách phương xa.
Trong vài năm gần đây, du lịch sinh thái nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre được quan tâm, phát triển với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đang được khai thác như: Du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, vườn dừa, vùng sản xuất cây giống – hoa kiểng, tham quan các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng nông thôn tại nhà người dân; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Trong đó, du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn tại 3 huyện biển cũng là một trong những loại hình du lịch nông nghiệp được du khách quan tâm.
Tại huyện Bình Đại hiện có 06 điểm du lịch chính, ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan nghỉ mát. Tiêu biểu là khu du lịch cộng đồng ven biển Thừa Đức; khu du lịch sinh thái “Người Giữ Rừng” tại xã Thạnh Phước với 25 ha có khu vui chơi, giải trí, rừng sinh thái ngập mặn. Cá biệt tại thị trấn Bình Đại có khu du lịch tâm linh chùa Vạn Phước vào dịp Tết cổ truyền mỗi ngày có vài chục nghìn người đến viếng, tham quan; ngày lễ, ngày cuối tuần có đến gần chục nghìn du khách.
Gần đây, lượng khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện Bình Đại ngày càng nhiều; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch tăng lên, đa dạng mô hình. Trong năm nay, huyện Bình Đại đón tiếp trên 230.000 lượt du khách xa gần, tăng gần 15% so năm ngoái. Hướng tới ngành Du lịch được huyện xem là ngành kinh tế quan trọng cùng với khai thác biển và nuôi trồng thủy sản.
Ông Lư Văn Nhường, Trưởng Phòng văn hóa – Thông tin huyện Bình Đại cho biết: “Hiện nay, huyện đã thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến 2045. Lộ trình thực hiện theo từng năm có quy hoạch vùng gắn với kế hoạch sử dụng đất để mời gọi đầu tư. Bình Đại muốn phát triển một điểm du lịch rất lớn ở cồn Chài Mười diện tích khoảng 700ha. Về phát triển rừng gắn với du lịch vừa bảo vệ rừng vừa gắn với phát triển du lịch, không phá vỡ sinh thái, gắn du lịch xanh. Đồng thời phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, cách mạng nhất là vùng Thới Thuận, Thừa Đức”.
Ở huyện Thạnh Phú đang phát huy tối đa thế mạnh về du lịch, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của các huyện ven biển của tỉnh. Điểm nhấn của du lịch Thạnh Phú là vừa qua địa phương tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch biển năm 2023, với chủ đề “Du lịch biển Thạnh Phú liên kết và phát triển”, tại Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải), thu hút hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Bãi biển Thạnh Phú ngày càng hấp dẫn du khách.
Theo Đề án phát triển du lịch đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Thạnh Phú, thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch và tạo việc làm cho 2.500 lao động… Để hiện thực hóa khát vọng này, Thạnh Phú có nhiều giải pháp định dạng lại các mô hình nông nghiệp sinh thái như trồng xoài, sa sâm, nuôi tôm công nghệ cao, dịch vụ du lịch tham quan điện gió, quy hoạch lại Khu du lịch Cồn Bửng, phát triển 2 làng văn hóa du lịch Thạnh Phong – Thạnh Hải và Đại Điền – Phú Khánh.
Dịp Tết dương lịch 2024 này, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại tỉnh Bến Tre đã chuẩn bị chu đáo để phục vụ du khách. Hàng năm từ nay đến sau Tết cổ truyền là bước vào cao điểm mùa du lịch; các gói khuyến mãi, chương trình phục du khách tham quan được các đơn vị thực hiện để “vui lòng khách đến, hài lòng khách ra về và hẹn ngày trở lại”.
Ông Châu Hồng Luật, Giám đốc công ty TNHH Du lịch Miền Quê tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nói: “Công ty du lịch Miền Quê đưa ra chương trình kích cầu du lịch, có những khuyến mãi cho du khách. Cụ thể như giảm giá, tăng dịch vụ lên cho khách. Trước giờ đi tham quan các cồn thì bây giờ khuyến mãi thêm cho khách di chùa Liên Hoa tỉnh Tiền Giang nữa, chi phí như đi tour thông thường, mình không tính phí thêm. Món ăn thì mình đang tìm các món dân dã theo nhu cầu của khách”.
Cùng với kinh tế vườn, nuôi trồng, khai thác hải sản thì ngành du lịch được các ngành, các cấp và người dân xứ dừa quan tâm, nâng chất. Tỉnh Bến Tre đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch. Tiêu biểu như: triển khai các dự án du lịch trên địa bàn huyện Châu Thành, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch 08 xã ven sông Tiền với tổng kinh phí trên 324 tỷ đồng, đưa vào hoạt động bến tàu du lịch Bến Tre, chấp thuận xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mekong Pearl, dự án Bến tàu Rạch Miễu xã Tân Thạch huyện Châu Thành, dự án Nhà hàng Hương Biển xã Thạnh Hải huyện Thạnh Phú.
Bến Tre tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển nâng cao chất lượng và tạo điểm nhấn mang nét đặc trưng “Du lịch Xứ Dừa”; tập trung phát triển các chương trình tham quan, tuyến du lịch nội tỉnh, nội vùng13; tiếp tục kết nối các tỉnh thành hoàn thiện và phát triển tuyến “Non nước hữu tình” (TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau) và một số tuyến liên kết 6 tỉnh: Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Vĩnh Long – Trà Vinh – Đồng Tháp…
Với những nỗ lực đó, tin rằng ngành du lịch tỉnh Bến Tre tiếp tục phát triển, tạo điểm nhấn mang nét đặc trưng “Du lịch xứ Dừa” đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan trong thời kỳ hội nhập và phát triển.