Lựa chọn hợp lý
Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa là cách lựa chọn hợp lý của trên 80% hộ nông nghiệp thuộc ấp An Định, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. Đất và nước là nguồn tài nguyên thích hợp cho việc nuôi tôm càng và trồng lúa ở khu vực này. Hiện ấp An Định có 780 ha diện tích đất nông nghiệp với hơn 1.200 hộ dân canh tác. Trong đó, có 350 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, đa số hộ dân áp dụng mô hình này đều thu lại lợi nhuận cao nhờ giá lúa tăng, giá tôm càng ổn định.
Lúa trồng trong vuông tôm quảng canh có thời gian từ 3-6 tháng thì thu hoạch (tùy giống lúa ngắn hay dài ngày). Nông dân trồng lúa áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, bón phân hữu cơ cho lúa, không sử dụng phân bón hóa học làm ảnh hưởng nguồn nước nuôi tôm và phẩm chất lúa. Hàng năm, nông dân thu hoạch lúa mùa vào thời điểm tháng 11 đến tháng 12 dương lịch. Để chuẩn bị xuống giống tôm càng xanh quảng canh, hộ dân phải vệ sinh ao tôm, xử lý cá tạp trước khi thả tôm con để tôm không bị hao hụt. Thời gian thả tôm càng xanh thường bắt đầu vào đầu tháng 12 dương lịch, thức ăn cho tôm chủ yếu là bắp, gạo lức và thức ăn công nghiệp, sau 6 tháng thả nuôi trở đi thì nông dân có thể thu hoạch tôm, tùy vào kích cỡ lớn, nhỏ.
Tiềm năng phát triển của mô hình tôm càng xen lúa là rất lớn vì tôm càng xanh là đối tượng chịu được độ mặn dưới 10 phần nghìn, chi phí đầu tư cho nuôi tôm càng xanh ít hơn nhiều so với nuôi thủy sản khác, tỷ lệ rủi ro thấp, kỹ thuật không quá cao. Giống tôm càng xanh hiện nay bán ra vẫn còn một số khó khăn về con giống do chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, trong khi đó nhu cầu thả nuôi tôm càng xanh cao nên tôm nhập về không đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ khó khăn.
Thu lãi cao từ mô hình tôm – lúa
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trồng lúa phù hợp với các hộ nông dân có mức thu nhập trung bình. Hộ dân sản xuất theo cách truyền thống, nếu đầu tư 50 triệu đồng/ha thì lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng. Riêng hộ dân nuôi theo mô hình tôm – lúa nếu đầu tư 50 triệu đồng/ha, mỗi hộ sẽ thu được ít nhất 100 triệu đồng, có lãi từ 50 triệu đồng/ha trở lên.
Ông Bùi Văn Phanh – Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp An Định, xã An Nhơn có 3,5ha diện tích đất, trong đó trồng 1,6ha lúa, sau hơn 6 tháng nuôi, tôm đạt cỡ khoảng 20-25 con/kg (giá tôm từ 170-200.000 đồng/kg), thu 1,7 tấn. Năm nay, năng suất lúa tăng, ước đạt 5 tấn/ha, giá cao hơn so với mọi năm khoảng 2.000 đồng/kg, năng suất lúa tăng gần 01 tấn/ha, giống lúa ông Phanh trồng là Đài thơm 8, với giá bán tại ruộng 10.000 đồng/kg. Ước tính, tổng chi phí đầu tư mô hình tôm – lúa gần 95 triệu đồng, tổng doanh thu trên 300 triệu đồng, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, trong đó lợi nhuận từ tôm ước hơn 170 triệu đồng. “Tôm càng có tỷ lệ sống cao, lớn nhanh hơn, dễ nuôi và không nhiều công chăm sóc… Hiện tôm tiêu thụ còn gặp khó so với những năm trước do đầu ra không đảm bảo, giá bán còn thấp, chưa có đại lý bao tiêu sản phẩm” – ông Phanh nói.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn cho nông dân và người sử dụng đã giúp cho nông dân An Định nói riêng, xã An Nhơn nói chung thu lãi cao, đầu ra ổn định, nông dân yên tâm sản xuất. Được biết, Hợp tác xã Lúa – Tôm Thạnh Phú tại xã An Nhơn đã thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay thực hiện cung cấp lúa giống, phân bón, tôm giống (tôm sú, tôm càng). Năm 2023, Hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần nông sản Hoa Nắng triển khai sản xuất 18 tấn lúa giống hữu cơ với giống lúa ST25, Đài thơm 8, hiện đã thu mua của xã viên trên 70 tấn với giá từ 9.500 đồng đến 11.000 đồng/kg (tùy loại lúa) nên xã viên vui mừng vì có lãi cao từ trồng lúa kết hợp với nuôi tôm.
Ông Hồ Văn Cương – Giám đốc Hợp tác xã Lúa – Tôm Thạnh Phú tại xã An Nhơn cho biết, “Hiện Hợp tác xã đã được UBND huyện Thạnh Phú cấp giấy chứng nhận gạo sạch sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022, phấn đấu phát triển thêm xã viên, mở rộng diện tích trồng lúa sạch gắn với nuôi tôm quảng canh, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho xã viên, tiến tới công nhận gạo sạch chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024”. Xã An Nhơn tích cực phát triển kinh tế theo hình thức hợp tác mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.