Ngày 23/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Nhạc lễ dân gian và nghi thức cúng đình của người Việt ở tỉnh Bến Tre” nhằm thiết thực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghi thức tế lễ trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho Ban Khánh tiết các đình làng có cơ hội giao lưu, nâng cao hiểu biết và kết nối tình cảm, trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, công sức cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Trong tiến trình lịch sử của quá trình khẩn hoang, lập ấp, dựng làng, khi đã định hình xóm làng, đầy đủ nhân khẩu, dồi dào tài lực, thôn dân Bến Tre khi xưa bắt đầu lập đình để xác định chủ quyền trên vùng đất mới. Đây là thiết chế văn hóa dân lập nhưng chịu sự quản lý của Nhà nước phong kiến, là nơi hội họp của cộng đồng xã, thôn, địa điểm làm việc của hương chức. Ngôi đình của mỗi làng thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa hai thành tố văn hóa vật thể và phi vật thể. Từ đó đến nay, thiết chế văn hóa này đã được giữ gìn, tôn tạo, phát huy và tiếp tục tạo nên các giá trị mới trong xã hội đương đại.
Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh, hiện nay toàn tỉnh Bến Tre có 24 đình được xếp hạng Di tích cấp tỉnh và 6 đình được xếp hạng Di tích quốc gia. Ngôi đình vừa thể hiện niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, vừa là niềm tự hào, tâm thức văn hóa của một cộng đồng. Hàng năm, tại các ngôi đình có nhiều lễ cúng nhưng quan trọng nhất là Lễ Kỳ yên hay còn gọi là Lễ Cầu an – được xem một lễ hội dân gian tiêu biểu của người Việt ở Nam Bộ.
Lễ Kỳ yên là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với vị Thần hoàng làng luôn bảo hộ, che chở dân làng vượt qua bao khó khăn, thử thách; để dâng lên Thần hoàng những lễ vật có giá trị nhất do dân làng tự sản xuất, chăn nuôi. Đây cũng chính là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật truyền thống, xuất phát từ nhu cầu tâm linh, phản ánh tâm tư, tình cảm và ước mơ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình an của nhân dân lao động, cầu cho “Quốc thái dân an, Phong điều vũ thuận, Phong đăng hòa cốc”. Mặt khác, còn là dịp cùng nhau thể hiện những gì tốt đẹp nhất của một cộng đồng, củng cố tình đoàn kết trong niềm tin và sự hướng thiện. Khi tế lễ, các nghi thức diễn ra nghiêm túc và âm nhạc là một phần không thể thiếu “phi nhạc bất thành lễ”. Nhạc lễ đóng vai trò dẫn dắt tạo không khí thiêng liêng lúc tế lễ. Nhạc Lễ kỳ yên được hệ thống hóa thành bài bản và gắn chặt với mỗi hành động và nghi tiết.
Hội thảo “Nhạc Lễ dân gian và nghi thức cúng đình của người Việt ở tỉnh Bến Tre” được tổ chức nhằm thiết thực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghi thức tế lễ trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho Ban Khánh tiết các đình làng có cơ hội giao lưu, nâng cao hiểu biết và kết nối tình cảm, trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, công sức cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Hội thảo nhận được 13 tham luận, hơn 10 ý kiến trao đổi ở phần thảo luận. Trong đó, tập trung làm rõ các vấn đề về lịch sử, giá trị tiêu biểu của đình làng Bến Tre, diễn trình và âm nhạc sử dụng trong nghi lễ cúng đình. Nhiều ý kiến góp ý, đề xuất về biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị nhạc lễ dân gian, nghi thức cúng đình cũng như bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đình thần trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục mở ra các vấn đề về quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và thực hành trong thời gian tới. Đó là việc đào tạo chuyên sâu đối với các đối tượng đang trực tiếp thực hành hoạt động nghi thức cúng đình (Ban Khánh tiết, Ban Tế tự, Hội đồng kỳ mục…) như: Mở lớp tập huấn giới thiệu các di sản về Hán Nôm trong đình, hướng dẫn cách đọc chúc văn và học trò lễ… Tổ chức phổ biến, giới thiệu di sản vật thể kiến trúc đình và di sản phi vật thể liên quan đến đình như các hội lễ, âm nhạc…
Bên cạnh đó, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy di sản văn hóa vật thể kiến trúc đình làng và phi vật thể liên quan đến các hoạt động lễ hội của đình. Giáo dục nhận thức về giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc thông qua trải nghiệm hoạt động lễ hội cúng đình. Nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung giáo dục địa phương, những hoạt động trải nghiệm đối với các hoạt động lễ hội của đình như một phương pháp giáo dục nhận thức, tri thức và đạo đức…