Với việc triển khai những chính sách, giải pháp hiệu quả, xã đảo Hưng Phong (thường gọi là cồn Ốc, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhờ đa dạng ngành nghề nông thôn, đa dạng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi…
Trước đây, Hưng Phong là một xã đảo đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân bộ mặt xã Hưng Phong đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là lĩnh vực giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững.
Nhiều giải pháp hiệu quả giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững
Xã Hưng Phong nằm giữa dòng Hàm Luông, có diện tích 1.200ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 610ha. Đến 80% dân số xã Hưng Phong làm nông nghiệp.
Những năm qua, xã Hưng Phong đã thực hiện tốt các chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách khó khăn, nhờ đó số hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể từ 25% năm 2020, xuống còn 9,6% năm 2023.
Để đạt được kết quả này, UBND xã Hưng Phong cho biết, chính quyền đã phối hợp các hội, đoàn thể và ngành chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo từng lĩnh vực.
Theo đó, về an sinh xã hội, xã đã cấp bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, còn tổ chức các đợt khám, phát thuốc miển phí và tuyên truyền phòng chống bệnh truyền nhiễm cho người dân.
Trong năm 2022, và nửa đầu năm 2023, Hưng Phong đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng và trao tặng 4 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo với tổng kinh phí 200 triệu đồng.
Ngoài ra, xã còn tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao thu nhập. Hiện, địa phương có những mô hình tạo công ăn việc làm cho người dân, như đan giỏ cọng dừa, nuôi dê sinh sản, cải tạo vườn dừa hữu cơ… Tham gia mô hình, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 9,5 triệu đồng. Sau 3 năm tham gia, chính quyền sẽ thu lại 1/2 vốn để tạo sinh kế khác cho người dân tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Đông (ấp 1, xã Hưng Phong) cho biết, trước đây gia đình ông rất khó khăn. Mái nhà che mưa, nắng cũng không lành lặn. Triển khai công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững, chính quyền và nhà hảo tâm tặng gia đình ông căn nhà tình thương.
Không chỉ thế, để tạo sinh kế cho gia đình ông Đông cải thiện đời sống, chính quyền đã hỗ trợ 1 cặp dê giống để chăn nuôi. Vừa qua, chính quyền hỗ trợ tiếp 10 con dê cái và 1 con dê đực để gây đàn.
“Gia đình tôi rất xúc động và cảm ơn chính quyền địa phương cũng như nhà hảo tâm đã quan tâm và tạo điều kiện sản xuất cho gia đình tôi nâng cao đời sống để thoát nghèo”, ông Đông thổ lộ.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững, chính quyền xã Hưng Phong đã triển khai các chính sách hỗ trợ những cơ sở kinh doanh trên địa bàn, như giảm thuế, miễn phí đăng ký, tạo điều kiện vay vốn và xây dựng thương hiệu… Nhờ đó, các cơ sở kinh doanh đã phát triển mạnh tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Bà Nguyễn Thị Phỉ, chủ cơ sở sản xuất thạch dừa, cho biết nhờ các chính sách hỗ trợ, cơ sở đã mở rộng sản xuất, tăng thuê muốn lao động địa phương. Hiện, cơ sở của bà Phỉ có 10 lao động đang làm việc. Lương 6-6,5 triệu đồng/tháng/lao động.
Ngoài ra, xã còn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho các hộ trên địa bàn vay vốn sản xuất. Vừa qua, Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho 817 hộ dân vối số tiền 11 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đã có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Theo UBND xã Hưng Phong, năm 2023, xã đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững cho 27 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phong, cho biết xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, trong thời gian qua xã tăng cường triển khai các giải pháp, chính sách giảm nghèo đa chiều, bền vững. Với việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, cũng như nguồn lực từ công tác xã hội hóa, công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững đã mang lại hiệu quả với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được kéo giảm sâu.
Đầu tư hạ tầng giao thông đẩy nhanh giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững
Hiện, tỉnh Bến Tre có 21 xã đạt tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025.
Với người dân xã đảo Hưng Phong, các công trình đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững đã giúp nhiều hộ dân phấn khởi làm ăn.
Xã đảo Hưng Phong hiện có 3 công trình giao thông nông thôn từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững, gồm: ĐC.02, ĐC.03 và ĐC.05 đã hoàn thành.
Ông Trần Văn Võ (ấp Hưng Long), cho hay trước đây đường ĐC.02 lầy lội khó đi, nước ngập tới đầu gối. Năm 2022, Hưng Phong được công nhận xã đảo. Nhà nước đầu tư vốn làm đường giao thông nông thôn.
“Nhờ có con đường khang trang, mà dừa tôi bán cũng lên giá hơn so trước đây”, ông Võ bộc bạch.
Năm 2023, từ nguồn vốn đầu tư công thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, Hưng Phong tiếp tục thực hiện 3 công trình, gồm: cầu Rạch Thóc, đường ĐC.01 và cải tạo hội trường UBND xã thành hội trường văn hóa xã, xây dựng các phòng chức năng và các hạng mục phụ.
UBND xã Hưng Phong cho biết, khi được nhận nguồn vốn từ CTMTQG giảm nghèo bền vững, Hưng Phong đã lựa chọn danh mục 6 công trình để thực hiện. Danh mục công trình này được công khai trong dân về chủ trương thực hiện. Người dân rất phấn khởi vui mừng, hiến đất đai, hoa màu thực hiện. 3/6 công trình đã hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh đã thực hiện 7 công trình chuyển tiếp và triển khai 42 công trình khởi công mới trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển giai đoạn 2021 – 2025 tại các huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, chủ yếu là đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí 130 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, các công trình cơ bản hoàn thành và tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%.